Thông tư mới xếp nhà giáo giỏi ở hạng thấp, lương thấp, họ lấy đâu ra động lực?

Giáo viên giỏi, công tác tốt, trong đó cả có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn ở hạng thấp, lương thấp,… thì làm sao họ có động lực cố gắng, phấn đấu.

Đã có nhiều bất cập, bất công trong việc chia hạng để xếp lương, chia hạng đạo đức giáo viên, việc bổ nhiệm, chuyển hạng, thăng hạng, giáng hạng ở chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT và gần nhất là chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT… gây ra nhiều bức xúc và bất cập trong thời gian qua được phản ánh trong hàng trăm bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều báo, diễn đàn giáo dục khác.

Chưa khi nào giáo viên có được niềm hân hoan, hy vọng như lúc này khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ở nghị trường Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định 89/2021/NĐ-CP để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04.

Giáo viên hy vọng lần này sẽ sửa đổi này không chỉ những quy định mới theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học mà còn sửa đổi các bất cập lớn về thăng hạng, tụt hạng, chuyển xếp lương,… trong đó quan trọng nhất là việc làm sao để chấm dứt bất công khi có nhiều hiệu trưởng, giáo viên giỏi đủ tiêu chuẩn ở hạng cao nhưng lại xếp, bổ nhiệm mới ở hạng thấp, giáo viên chưa giỏi thì ở hạng cao, chuyển lương cao.

Bất cập lớn của việc xếp hạng theo thông tư mới

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành chùm Thông tư mới 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên thì ở bắt đầu từ năm 2015 giáo viên đã được bổ nhiệm xếp lương theo hạng giáo viên theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, tức là việc chia hạng đã cũng hơn 7 năm khi đó giáo viên cũng có rất nhiều bức xúc.

Khi chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT ban hành thì việc chuyển xếp lương đơn giản hầu như không căn cứ, tiêu chuẩn, nhiệm vụ gì của chùm Thông tư trên (bổ nhiệm xếp hạng nhưng cho nợ tiêu chuẩn, nhiệm vụ).

Cụ thể giáo viên mầm non đến trung học phổ thông đang hưởng lương ở hệ số lương nào thì được chuyển sang hệ số lương mới tương đương ở hạng mới như giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương từ 1,86 – 4,06 chuyển sang hạng IV; hưởng lương 2,1 – 4,89 chuyển sang hạng III; hưởng lương 2,34 – 4,98 chuyển sang hạng II có hệ số lương tương đương;

Đối với giáo viên trung học cơ sở thì giáo viên có hệ số lương 2,1 – 4,89 được chuyển sang hạng III; hệ số lương 2,34 – 4,98 chuyển sang hạng II có hệ số lương tương đương;

Đối với giáo viên trung học phổ thông thì giáo viên có hệ số lương 2,34 – 4,98 được chuyển sang hạng III; có hệ số lương 4,0 – 6,38 được chuyển sang hạng II có hệ số lương tương đương.

Thông tư mới xếp nhà giáo giỏi ở hạng thấp, lương thấp, họ lấy đâu ra động lực? ảnh 1

Ảnh minh họa: Sggp.org.vn

Bất cập đầu tiên của lần này là chuyển xếp lương chỉ căn cứ vào hệ số lương đang giữ và chuyển sang hạng mới mà không căn cứ vào bất kỳ tiêu chuẩn nào (như quy định tại chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2021/TTLT-BNV-BGDĐT bao gồm tiêu chuẩn về nhiệm vụ; chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ đào tạo, bồi dưỡng;…).

Bất cập thứ hai là việc chuyển chỉ căn cứ vào hệ số lương đang giữ mà chuyển xếp lương do đó có nhiều giáo viên đã có trình độ đại học, thậm chí thạc sĩ từ năm 2012 chưa được chuyển xếp lương theo trình độ (trình độ đại học hưởng lương trung cấp, cao đẳng) cho dù có giữ chức vụ gì ở trường như hiệu trưởng, tổ trưởng, giáo viên giỏi cấp tỉnh, quốc gia,… vẫn chỉ xếp lương ở hạng thấp nhất, hưởng lương thấp hơn.

Bất cập thứ ba là từ năm 2015 đến nay, thực hiện việc chia hạng giáo viên theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT đối với giáo viên mới tuyển dụng từ năm 2015 thì bất kể khi tuyển dụng có bằng cấp gì thì dạy ở mầm non, tiểu học được xếp hạng IV có hệ số lương 1,86; dạy ở trung học cơ sở xếp lương hạng III có hệ số 2,1 nên mới có tình trạng giáo viên có trình độ đại học hưởng lương trung cấp (mầm non, tiểu học), cao đẳng (trung học cơ sở).

Bất cập thứ tư là Thông tư có quy định việc thăng hạng nhưng hầu như rất ít các địa phương tổ chức thi, xét thăng hạng nên giáo viên không được thăng hạng vẫn phải gánh bất công trên.

Như vậy từ khi ban hành chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT thì hàng loạt bất cập đã xuất hiện và chưa được giải quyết.

Khi đó có giáo viên giữ nhiệm vụ quản lý, giáo viên giỏi, công tác tốt,… lại hưởng lương ở hạng thấp, hệ số lương thấp, được coi như đạo đức thấp hơn, nhiều người chưa có thành tích, cống hiến gì vẫn giữ lương có hệ số cao, hạng cao.

Khi bất cập về chùm Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23 năm 2015 vẫn còn chưa được giải quyết nhất là việc thăng hạng hơn 5 – 6 năm chờ đợi gây quá nhiều bức xúc cho giáo viên, đáng lý Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cùng Bộ Nội vụ sửa những bất cập, bất công của chùm Thông tư đó thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành thêm chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm xếp lương giáo viên mầm non đến trung học phổ thông mới lại đi tiếp từ bất cập, bất công này đến bất công khác khiến giáo viên bức xúc lớn hơn.

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 mới này quy định việc chuyển xếp hạng từ hạng cũ sang hạng mới như sau:

Đối với giáo viên mầm non: Giáo viên mầm non hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89); hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,89) được bổ nhiệm vào hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89); hạng II cũ (hệ số lương 2,34 đến 4,98) được bổ nhiệm vào hạng II mới (hệ số lương 2,34 đến 4,98).

Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên tiểu học hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); hạng III cũ (hệ số lương 2,1 – 4,89) được bổ nhiệm vào hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (có hệ số lương 4,0 – 6,38).

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,98) được bổ nhiệm vào hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào hạng II mới (hệ số lương 4,0 – 6,38); hạng I cũ (hệ số lương 4,0 – 6,38) được bổ nhiệm vào hạng I (hệ số lương 4,4 – 6,78).

Đối với giáo viên trung học phổ thông: Xếp lương có hệ số lương, hạng tương đương với Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT.

Như vậy, lần bổ nhiệm xếp lương theo chùm Thông tư mới này xuất hiện thêm nhiều bất cập, bất công của việc chuyển xếp lương khi tiếp tục chỉ căn cứ vào hạng cũ để chuyển sang hạng mới.

Bên cạnh đó các tiêu chuẩn về các hạng lại chưa quy định cụ thể, có cách hiểu khác nhau có nơi thì yêu cầu phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn kể cả nhiệm vụ đang đảm nhận (phù hợp với quy định chùm Thông tư mới), có nơi lại không cần yêu cầu nhiệm vụ đang đảm nhận (theo các hướng dẫn của Cục Nhà giáo ở công văn 1077, 1099).

Như vậy kể cả chùm Thông tư cũ 20, 21, 22, 23/2015 và chùm Thông tư mới 01, 02, 03, 04/2021 đều không giải quyết được vấn đề công bằng trong trả lương, giáo viên làm tốt công việc, hiệu quả, có uy tín, có chức vụ thì ở hạng cao hơn, khi làm việc hiệu quả thấp, chưa đủ uy tín, tín nhiệm thì phải ở hạng thấp hơn để phấn đấu được lên hạng cao hơn.

Hai phương án để chấm dứt việc giáo viên giỏi ở hạng thấp, lương thấp

Đã có quá nhiều bất cập, bất công về chuyển xếp hạng, xếp lương giáo viên theo các chùm Thông tư mới, rất may là Thông tư có hiệu lực từ 20/3 đến nay nhưng việc chuyển xếp lương theo các chùm Thông tư trên vẫn gần như chưa được triển khai và công bố, nếu cả nước mà thực hiện việc bổ nhiệm chuyển xếp lương theo chùm Thông tư mới sẽ thêm bất công, bất cập, bất mãn cho nhiều giáo viên.

Giáo viên giỏi, công tác tốt, trong đó cả có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn ở hạng thấp, lương thấp,… thì làm sao họ có động lực cố gắng, phấn đấu, như vậy môi trường giáo dục sẽ có bất công, gây bất mãn trong giáo viên.

Do đó khi sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 này không chỉ về các chứng chỉ theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP mới mà còn phải sửa đổi quan trọng về việc bất công của việc giáo viên giỏi, tốt ở hạng thấp, lương thấp, đạo đức thấp hơn.

Phương án 1: Nếu vẫn giữ việc chia hạng giáo viên thì người viết đề xuất được sửa đổi như sau:

Thứ nhất, bỏ tiêu chuẩn đạo đức ở các hạng.

Tất cả các giáo viên đã có quy định về phẩm chất, đạo đức, tiêu chuẩn, quy định trong Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Quy định về đạo đức nhà giáo; Điều lệ trường học,… nên ở tất cả các hạng chỉ cần ghi đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo theo quy định.

Thứ hai: Giáo viên đủ tiêu chuẩn hạng nào bổ nhiệm hạng đó.

Đây là điều quan trọng nhất cần phải sửa đổi, Thông tư mới đã ban hành cụ thể tiêu chuẩn ở các hạng thì việc giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào thì phải được bổ nhiệm ở hạng đó, không thể có việc chỉ căn cứ vào hạng cũ bổ nhiệm hạng mới như chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 mới trên.

Do đó tại Điều 8 tại các chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT người viết xin kiến nghị sửa đổi chung như sau: “Giáo viên đảm bảo trên 80% tiêu chuẩn ở hạng nào thì được bổ nhiệm ở hạng đó. Chu kỳ bổ nhiệm là 3 năm.

Nếu trong thời gian 3 năm mà giáo viên không đảm bảo tiêu chuẩn của hạng đang giữ, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chuyển xuống hạng thấp hơn.”

Như vậy, giáo viên giỏi, tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào thì bổ nhiệm ở hạng đó mà không có việc một giáo viên không có gì tiêu biểu, không cố gắng,… mà vẫn ở hạng II, I như hiện nay.

Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu, kiến nghị Bộ Nội vụ sửa đổi, thay thế Thông tư 02/2007/TT-BNV về chuyển xếp lương khi thăng hạng có bổ sung quy định cụ thể trường hợp chuyển xếp lương khi giáng hạng (hiện nay chưa có quy định).

Do đó, giáo viên ở hạng III, IV giỏi, công tác tốt, có nhiều phấn đấu nếu đảm bảo các tiêu chuẩn ở hạng II, I vẫn được bổ nhiệm ở hạng mới đó.

Nếu có chia hạng thì chỉ có quy định như vậy mới đúng ý nghĩa của việc chia hạng, giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn hạng nào bổ nhiệm hạng đó, khi không hoàn thành nhiệm vụ, không còn phấn đấu, không đủ tiêu chuẩn của hạng thì phải chuyển xuống hạng thấp hơn.

Thứ ba, sửa đổi tiêu chuẩn về các hạng.

Để đảm bảo việc chia hạng theo nguyên tắc giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào được bổ nhiệm hạng đó thì phải sửa đổi một số quy định về tiêu chuẩn ở các chùm Thông tư.

Cụ thể đề xuất bỏ tiêu chuẩn “Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên; Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.” của Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở các hạng I, II.

Đây là rào cản cho sự phấn đấu của những giáo viên giỏi, tốt. Đạt tiêu chuẩn ở hạng nào phải được bổ nhiệm hạng đó tại sao phải đợi đến 9 hay 6 năm sau mới được thi, xét thăng hạng mới?

Bên canh đó, ở Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng người viết xin được đề xuất bỏ tiêu chuẩn có bằng thạc sĩ trở lên đối với giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho giáo viên mới nhận công tác khi chùm Thông tư này có hiệu lực.

Nhiều giáo viên giỏi, tốt, được công nhận nhà giáo ưu tú, có bằng khen Thủ tướng Chính phủ, có nhiều nghiên cứu khoa học được công nhận… mặc dù không có bằng thạc sĩ vẫn có cơ hội được bổ nhiệm vào hạng I để giáo viên phấn đấu.

Tuy nhiên nếu vẫn xếp theo hạng thì hơi phức tạp về pháp lý phải ban hành tiêu chuẩn đánh giá giáo viên các hạng riêng, sinh hoạt chuyên môn riêng, công việc cũng khác nhau, dạy lớp khác nhau,… không thể chia giáo viên hạng I, II, III khác nhau mà công việc như nhau, đánh giá như nhau,…

Nên phương án 2 người viết đề xuất bỏ việc xếp hạng giáo viên, chỉ nên tăng cường khen thưởng cho giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ như vậy có vẻ hợp lý hơn vì nhiệm vụ như nhau, giáo viên nào làm việc hiệu quả thì được khen thưởng xứng đáng là đủ.

Giáo viên công việc như nhau, đánh giá như nhau, chủ nhiệm như nhau, sinh hoạt chuyên môn cùng nhau, cùng dạy học sinh như nhau,… mà chia hạng thì khó thuyết phục cũng rất khó để phân công công việc giữa các hạng. Nên người viết vẫn nghiêng về phương án 2 là bỏ xếp hạng, tăng khen thưởng hiệu quả công việc.

Hàng triệu giáo viên đang rất kỳ vọng vào sự sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa đổi chùm Thông tư này. Rất mong Bộ Nội vụ có những định hướng, quan tâm việc sửa đổi lần này để chấm dứt việc giáo viên giỏi, công tác tốt, đủ tiêu chuẩn hạng cao nhưng lại hướng lương ở hạng thấp.

Nguồn: GDN

Related Posts

Официальная Мобильная Версия Сайта Азино Официальный Сайт

Официальная Мобильная Версия Сайта Азино Официальный Сайт

Азино 777 Официальный: Вход И Регистрация Счета

Азино 777 Официальный: Вход И Регистрация Счета

Đi buôn sắt vụn, cả làng trở thành đại gia: Biệt thự, xe sang đầy đủ

Làng nằm ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, rất giàu có với nhiều biệt thự và xe sang. Những người sống ở đây có thể kiếm…

Chàng trai quỳ gối suốt 21 tiếng để cầu xin bạn gái quay lại đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội

Đoạn video ghi lại một chàng trai quỳ gối bên ngoài lối vào tòa nhà văn phòng của bạn gái cũ ở Đại Châu, tỉnh Tứ Xuyên,…

Bức ảnh cô bé miền cao gây xúc động trên mạng: Tay bế em trai đang ngủ, tay say sưa viết bài

“Nhặt nhạnh” con chữ để tiếp cận văn minh, nâng cao đời sống là một hành trình dài và khó khăn. Trẻ em ở khu vực vùng…

Nghị lực tuyệt vời của một người đàn ông đi bằng hai đầu gối

Mặc dù có rất nhiều số phận không may mắn trong cuộc sống này, nhưng nghị lực sống của họ là điều khiến nhiều người cảm phục.Người…