Đề thi tốt nghiệp Ngữ văn khen chê trái chiều, GV giảng dạy có đôi lời chia sẻ

Câu nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay có nhiều “đất” cho thí sinh sáng tạo.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay nhận về những khen chê trái chiều. Nhiều người khen đề thi môn này có tính phân hóa cao, phù hợp với kì thi “hai trong một”, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, đề thi an toàn và cũ kĩ.

Là giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông kể từ thời điểm ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, người viết xin có đôi điều chia sẻ để bạn đọc có thêm đánh giá khách quan.

Đề thi tốt nghiệp Ngữ văn khen chê trái chiều, GV giảng dạy có đôi lời chia sẻ ảnh 1

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn 2023. (Ảnh: Cao Nguyên)

Những điểm sáng của đề thi

Thứ nhất, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay tương đương với đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2022. Đề thi tốt nghiệp giữ nguyên cấu trúc như đề tham khảo giúp giáo viên ôn tập cho học sinh được sát hơn.

Có thói quen khó thay đổi của học sinh là thi gì thì học nấy. Muốn giải quyết được điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải có một kỳ thi bắt buộc học sinh phải học một cách toàn diện tất cả các môn, phải học gì thi nấy.

Điều này sẽ thực hiện được kể từ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 – khóa đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Ngữ văn.

Thứ hai, về nội dung đề thi, câu 4 phần đọc hiểu yêu cầu thí sinh rút ra bài học lẽ sống cho bản thân từ câu thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình” (Anh Ngọc).

Đây là một câu hỏi mở, thí sinh hoàn toàn có thể trả lời theo quan điểm của mình, miễn sao hợp lí thì giám khảo sẽ cho điểm tuyệt đối. Dĩ nhiên, thí sinh không được viết trái pháp luật, trái đạo đức thuần phong mĩ tục hay có những suy nghĩ bi quan.

Thí sinh cần giải mã, “cơn giông” là ẩn dụ cho những gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội đến với chúng ta trong cuộc sống. Đó có thể là một căn bệnh hiểm nghèo mà chúng ta mắc phải, sự đổ vỡ trong kế hoạch làm ăn hay sự thất bại trong học tập…

Như thế, cuộc sống không bao giờ bình lặng mà luôn có nhiều khó khăn, thử thách, có thành công – thất bại, hạnh phúc – khổ đau… Để vượt qua được khó khăn, thử thách không phải là điều dễ dàng.

Cuộc đời đòi hỏi ta phải biết chấp nhận “cơn giông”, vì một khi ta biết chấp nhận nó, ta sẽ biết cách vượt qua nó bằng chính nghị lực, bản lĩnh, kỹ năng, tri thức của mình. Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng nói “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” cũng bởi lẽ đó.

Thứ ba, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là điểm sáng nhất của đề thi Ngữ văn. Đây là câu hỏi vừa phù hợp với tâm lí lứa tuổi 18 vừa đáp ứng về yêu cầu chuyên môn của một đề thi. Đề cũng giúp thí sinh có nhiều “đất” sáng tạo, tự do bày tỏ suy nghĩ theo góc nhìn cá nhân.

Thanh niên tuổi 18 hiện nay phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong cuộc sống như: học tập; thi cử; lựa chọn nghề nghiệp; có thể có những bất hòa trong các mối quan hệ với bạn bè, người thân; rồi bị tác động tiêu cực từ mạng xã hội…

Một khi cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát, chẳng hạn quá nóng giận, quá buồn bã,… đều có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vậy nên tuổi trẻ phải biết cân bằng cảm xúc để làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, giữ các mối quan hệ tốt hơn.

Hơn nữa, cân bằng cảm xúc giúp chúng ta bình tĩnh trước những biến động về mặt tinh thần, tự tin vượt qua các tình huống khác nhau. Người kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân thường khó bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, giữ được sức khỏe tinh thần tốt và dễ dàng xây dựng được các mối quan hệ trong công việc và xã hội.

Một số điểm cần xem xét

Tuy vậy, đề thi Ngữ văn năm nay vẫn còn một số điểm theo người viết là hạn chế ở phần đọc hiểu và làm văn – câu nghị luận văn học, chiếm số điểm cao nhất của bài văn.

Thứ nhất, phần đọc hiểu, câu 1, hỏi thể thơ là một yêu cầu quá dễ, học sinh bậc trung học cơ sở cũng trả lời đúng. Theo đáp án của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021, 2022 thì câu này chiếm 0,75 điểm.

Tương tự, câu 2, yêu cầu thí sinh chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè trong những dòng thơ: “Tiếng sấm gõ trên bầu trời thật thấp/ gió từ đất thổi lên rát mặt/ Cát bay, lá bay, đá bay” (Anh Ngọc) là quá đơn giản. Học sinh bậc tiểu học dễ dàng chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè một cách nhanh chóng, chính xác.

Cả câu 1 và câu 2 đều có thang điểm 0,75 (đáp án kì thi tốt nghiệp 2021, 2022), thí sinh chỉ cần mất vài ba phút khoảng 2 dòng là có 1,5 điểm mà không cần nhiều thời gian suy nghĩ. Trong khi đó, thí sinh viết từ 2/3 mặt giấy, ở mức khá thì mới có thể đạt 1,5 điểm/2 điểm câu nghị luận xã hội.

Vậy nên, nhiều giáo viên chia sẻ với người viết rằng, câu 1 và câu 2 phần đọc hiểu vừa giúp thí sinh thoát khỏi điểm liệt một cách ngoạn mục vừa giúp phổ điểm môn Ngữ văn năm nay ở mức khoảng trên 6,5 – tức là không thua gì năm ngoái (6,51). [1]

Thứ hai, nhiều giáo viên dạy Ngữ văn trên cả nước nêu quan điểm, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích phần cuối truyện ngắn “Vợ nhặt”, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích, là chưa hay. Bởi đoạn văn này rất ít giá trị nghệ thuật, chủ yếu mang giá trị hiện thực và nhân đạo.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn Kim Lân cho biết: “Thực ra với tứ truyện “Vợ nhặt” truyện nên kết thúc ở đây (không có phần cuối – nội dung văn bản được ra đề thi, người viết chú thích). Thâm tâm tôi cũng định thế nhưng do điều kiện của tờ báo bấy giờ, truyện mới được kéo dài ra thêm.

Tôi muốn cho độc giả thấy dù hoàn cảnh thế nào đi nữa thì tình người vẫn vượt lên trên tất cả. Có tình người là có cuộc sống. Có tình người là có hy vọng vào tương lai”. (Kim Lân, “Vợ nhặt”, Tác giả nói về tác phẩm, Hỏi chuyện các tác giả có tác phẩm giảng dạy trong nhà trường, Nguyễn Quang Thiều chủ biên, Nhà xuất bản Trẻ, 2000). [2]

Cũng theo nhà văn Kim Lân, phần gây xúc động nhất cho ông khi đọc lại truyện (Vợ nhặt) là đoạn bà cụ Tứ trở về. “Ở đây tình của người mẹ thật lớn. Bà nhanh chóng hiểu rõ hoàn cảnh và chấp nhận ngay. Bà không chỉ thương con trai mà còn đầy lòng thương xót với người đàn bà cùng quẫn kia dù hoàn cảnh bà cũng không khá hơn lắm. Đó chính là bản chất nhân đạo trong tâm hồn con người Việt. Đó cũng là chủ đề của câu chuyện”, nhà văn Kim Lân nói.

Người viết cho rằng, học sinh có học lực khá, giỏi sẽ ít có “đất” sáng tạo đối với câu nghị luận văn học, còn học sinh trung bình cũng chỉ diễn xuôi nội dung đoạn trích (nội dung đề thi) mà thôi. Hi vọng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ không còn những hạn chế này.

Nguồn: GDN

Related Posts

Официальная Мобильная Версия Сайта Азино Официальный Сайт

Официальная Мобильная Версия Сайта Азино Официальный Сайт

Азино 777 Официальный: Вход И Регистрация Счета

Азино 777 Официальный: Вход И Регистрация Счета

Đi buôn sắt vụn, cả làng trở thành đại gia: Biệt thự, xe sang đầy đủ

Làng nằm ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, rất giàu có với nhiều biệt thự và xe sang. Những người sống ở đây có thể kiếm…

Chàng trai quỳ gối suốt 21 tiếng để cầu xin bạn gái quay lại đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội

Đoạn video ghi lại một chàng trai quỳ gối bên ngoài lối vào tòa nhà văn phòng của bạn gái cũ ở Đại Châu, tỉnh Tứ Xuyên,…

Bức ảnh cô bé miền cao gây xúc động trên mạng: Tay bế em trai đang ngủ, tay say sưa viết bài

“Nhặt nhạnh” con chữ để tiếp cận văn minh, nâng cao đời sống là một hành trình dài và khó khăn. Trẻ em ở khu vực vùng…

Nghị lực tuyệt vời của một người đàn ông đi bằng hai đầu gối

Mặc dù có rất nhiều số phận không may mắn trong cuộc sống này, nhưng nghị lực sống của họ là điều khiến nhiều người cảm phục.Người…