Không ít người nói rằng, góp ý tiết dạy là cả một nghệ thuật. Góp sao để người dạy thấy được điểm mạnh mà phát huy, nhìn ra những hạn chế mà khắc phục
Trong bất kì tiết dạy dự giờ nào cũng không thể thiếu mục góp ý tiết dạy. Nhiều tiết dạy, giáo viên bị góp ý đã buồn đến bỏ ăn, người lại bất bình, phẫn nộ dẫn đến tình cảm đồng nghiệp sức mẻ ít nhiều.
Thế nên không ít người nói rằng, góp ý tiết dạy là cả một nghệ thuật. Góp sao để người dạy thấy được điểm mạnh mà phát huy, nhìn ra những hạn chế mà khắc phục.
Muốn làm được điều này, người dự giờ nhất định phải đặt mình vào vị trí của người dạy thì những lời góp ý mới chân tình, thực tế.
Các thầy cô giáo tham gia dự giờ (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: vietyen.edu.vn).
Nói được nhưng khó làm được
Một đồng nghiệp của tôi dạy tiết thao giảng trường, người dự hôm ấy là giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường chiếm tới gần 40 người, ngồi chật ních cả phòng học.
Để chuẩn bị cho những tiết dạy như thế, giáo viên đã phải đầu tư không ít từ giáo án, đồ dùng dạy học đến cả học sinh.
Theo lẽ thường, khi góp ý tất cả mọi người đều phải nêu nhận xét của mình về ưu, khuyết điểm của tiết dạy ấy.
Người tế nhị có chê nghe cũng nhẹ nhàng thoải mái. Người thì cho mình “thẳng như ruột ngựa” nên cứ bộc toẹt tất cả những suy nghĩ cá nhân (mà chưa hẳn đã đúng) để áp đặt vào.
Người chỉ chú trọng góp ý những lỗi thiếu sót điển hình. Người lại bới móc, soi mói những điều được cho là tiểu tiết. Mấy chục ý kiến kẻ chê, người khen cứ như mớ bòng bong chẳng biết nào mà gỡ.
Chị đồng nghiệp nói rằng: “dạy đã mệt, nghe góp ý kiểu này còn mệt gấp nhiều lần hơn”.
Có lẽ vì điều này, nhiều giáo viên khi được phân công dạy tiết hội giảng trường cứ giãy lên như đỉa phải vôi.
Điều nghịch lý ở chỗ, có người góp ý rất hay nhưng khi chính họ dạy cũng vấp y chang những lỗi ấy.
Người góp ý hay chưa chắc phải là người dạy hay, điều này đã được chứng minh khá nhiều ngoài thực tế.
Một vị hiệu trưởng khét tiếng là “đao phủ” trong các tiết thanh tra dự giờ. Sau mỗi tiết dạy của giáo viên, vị này góp ý tràng giang đại hải toàn những điều cao siêu mà ai thấy cũng rất khó áp dụng. Và bao giờ cũng thế, giáo viên khó có cơ hội nhận được tiết dạy tốt.
Một chuyên viên cấp phòng thường xuyên là thành viên thanh tra đi kiểm tra chuyên môn giáo viên bằng những tiết dự giờ. Đồng thời luôn giữ vai trò Trưởng ban giám khảo các Hội thi giáo viên dạy giỏi.
Chỉ nghe tên bất kể giáo viên nào cũng thấy “sợ” vì chắc chắn sau tiết dạy họ sẽ bị góp ý “tơi tả”.
Nhiều thầy cô cho biết, dù tiết dạy có được chuẩn bị kĩ lưỡng thế nào thì vẫn bị bắt lỗi. Những lỗi bị nêu ra dù họ biết chắc cũng chẳng thể thực hiện thành công trên lớp nhưng cũng chẳng thể nào cãi được. Thế nên, phần lớn thầy cô chọn giải pháp uất ức trong im lặng.
Gần đây, do tinh giản biên chế nên vị chuyên viên nọ chuyển xuống làm giáo viên. Nghe nhiều thầy cô kể lại rằng, một tiết chính tả theo quy định chỉ dạy 35-40 phút là xong bài. Thế nhưng vị này đã phải mất gần một buổi học mới dạy xong.
Cũng như vị hiệu trưởng mới nhắc ở trên cũng được điều chuyển xuống làm giáo viên. Những tiết dạy dự giờ nhà trường phải du di vì “nể mặt” cũng mới được xếp loại Khá.
Góp ý phải đặt mình vào vai trò người dạy
Muốn góp ý tiết dạy của đồng nghiệp nhất định người dự giờ phải xem trước bài đồng nghiệp sẽ dạy hôm ấy.
Tự mình đưa ra những phương án tổ chức, các hình thức triển khai, những tình huống sẽ gặp… Khi chính mình ngấm bài dạy mới có thể đưa ra lời góp ý thuyết phục.
Đứng trên cương vị người dạy mình sẽ biết được những điều nào là có thể và những điều không thể triển khai trong tiết học để lời góp ý của mình sát với thực tế. Tránh kiểu nói cho hay, cho cao siêu nhưng chính mình dạy vẫn không thể được.
Chỉ nên góp ý những tồn tại điển hình, tránh nên những điều vụn vặt để người dạy có cảm giác mình đang bị soi mói, bắt bẻ.
Có những điều nên nói công khai trước hội đồng nhưng không phải là tất cả. Có những điều cần góp ý riêng một cách tế nhị. Khi nghe những điều góp ý kiểu này, đồng nghiệp sẽ rất vui và tiếp thu một cách hào hứng.
Nguồn: GDN