Vụ nghi lộ đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi THPT năm 2023 vừa xảy ra sáng nay 28-6, khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu sự việc là có thật, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Bộ GD&ĐT, việc ảnh chụp đề thi môn Văn xuất hiện trên mạng vào khoảng 8h sáng nay Bộ đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ – Bộ Công an vào cuộc xác minh.
Được biết, đề thi THPT quốc gia được áp dụng chung cho tất cả các thí sinh thi tốt nghiệp trên phạm vi cả nước và thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước. Theo Điều 1 Quyết định 809/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai nằm trong danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi THPT năm nay
Như vậy, các tài liệu có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chưa công khai nằm trong danh mục bí mật của Nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục. Khi những tài liệu này chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố mà do một cá nhân làm lộ ra bên ngoài thì có thể bị coi là có hành vi làm lộ bí mật của Nhà nước.
Tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người làm lộ đề thi có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định của cơ quan công tác, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự – luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Về xử lý hành chính, theo khoản 4, khoản 5 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có hành vi làm lộ bí mật Nhà nước có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với cá nhân; từ 40-60 triệu đồng với tổ chức, đồng thời bị buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật Nhà nước đã làm lộ.
Trường hợp giáo viên (là người trực tiếp ra đề thi), những người trong Hội đồng ra đề thi, hoặc giám thị coi thi có hành vi làm lộ đề thi cũng bị coi là có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu – 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, hình thức kỷ luật cao nhất áp dụng đối với cán bộ là bãi nhiệm, với công chức và viên chức là buộc thôi việc.
Cũng theo luật sư Thu, trường hợp thí sinh dự thi vi phạm quy chế thi, để lọt đề thi ra ngoài trước khi hết 2/3 thời gian làm bài có thể bị đình chỉ thi hoặc các hình thức khác.
Nếu hành vi làm lộ bí mật Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xét thấy có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hình sự về Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước. Với hành vi làm lộ đề thi THPT (thuộc độ tối mật), mức phạt tù cao nhất người phạm tội có thể phải đối mặt là 10 năm tù với lỗi cố ý; hoặc 7 năm tù với lỗi vô ý.
Trường hợp cá nhân có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm lộ đề thi; thực hiện hành vi này vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS 2015 sửa đổi với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù – luật sư Thu nhấn mạnh.
Nguồn: We25