Lương giáo viên từ tháng 7 dao động 3,8-12,2 triệu đồng tùy cấp học và hạng giáo viên, cao hơn mức cũ 0,6-2,1 triệu đồng, chưa tính phụ cấp.
Lương giáo viên từ ngày hôm nay được tính dựa trên mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng một tháng, thay vì gần 1,5 triệu như trước. Theo thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội hôm 26/6 của Bộ Nội vụ, công thức tính lương là hệ số lương nhân với 1,8 triệu đồng.
Giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Mức này cao hơn so với trước đây khoảng 0,6-1,5 triệu đồng.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất.
Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng.
Mức lương của giáo viên trước và sau 1/7 được thể hiện ở bảng sau:
Ngoài lương, mỗi giáo viên tùy vị trí, nơi công tác, có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp sau: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Giáo viên làm nhiệm vụ coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT ở TP HCM hôm 28/6. Ảnh: Quỳnh Trần
Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau 5 năm công tác đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã gồm phụ cấp và thâm niên. Với người mới tuyển, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu.
Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, “nhưng số lượng không nhiều”. Chưa kể, những giáo viên này phải làm việc trong môi trường khó khăn, mức này được đánh giá chưa tương xứng công sức.
Đây là lý do năm ngoái có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành, chủ yếu ở khối mầm non, tiểu học.
“Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tại phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục hôm 27/5, ông Sơn cho biết đã làm việc với Bộ Nội vụ và hai bên thống nhất về việc tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non và tiểu học. Phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
Nguồn: Vnex