Việc đổi tổ hợp môn tự chọn là không hề đơn giản khi muốn đổi 1 môn học thì học sinh có thể phải đổi cả tổ hợp môn gồm 4 môn học.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới đã thực hiện năm đầu tiên ở lớp 10 bậc trung học phổ thông, điểm mới rất được chú ý là học sinh sẽ được chọn các tổ hợp chọn môn để học suốt bậc trung học phổ thông.
Lựa chọn tổ hợp chọn môn như thế nào cho học sinh lớp 10 vô cùng quan trọng vì gần như học sinh đã chọn từ lớp 10 bắt buộc phải theo nó cả bậc trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, qua 1 năm triển khai ở lớp 10 đã cho thấy, việc lựa chọn môn lại phát sinh phức tạp, rắc rối trong quá trình chọn môn, tổ hợp môn, nhiều học sinh áp lực vì chọn sai môn, khó khăn khi chuyển trường, ở lại,…
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Bậc trung học phổ thông, học sinh được chọn môn học ra sao?
Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông học sinh được lựa chọn 5/ 9 môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn, chia làm 3 nhóm môn gồm nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm môn xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm môn Nghệ thuật và Công nghệ (Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật).
Ngày 11/7, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch 770/KH-BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023 điều chỉnh chương trình môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông thành môn bắt buộc chỉ còn 52 tiết/năm học.
Sau khi môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 gồm 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương, Lịch sử.
Học sinh được lựa chọn 4/9 môn học gồm: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Theo đúng tinh thần chương trình mới, học sinh dựa vào năng lực, sở trưởng của mình lựa chọn 4 môn học suốt bậc trung học phổ thông, khi chọn 4 môn sẽ bỏ hẳn 5 môn không học.
Ví dụ học sinh chọn môn Vật lý, Hóa học, Địa lý, Công nghệ sẽ bỏ hẳn 5 môn không học suốt bậc trung học phổ thông gồm: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Sinh học, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Về lý thuyết học sinh sẽ được chọn môn học, nhưng thực tế học sinh lại không được chọn môn, ngày 19/4, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.
Theo văn bản, Bộ lưu ý việc tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục một số môn học, hoạt động giáo dục đối với lớp 10, liên quan đến xây dựng các tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Thực tế do điều kiện, hầu như không có trường trung học phổ thông nào cho học sinh được lựa chọn môn học, các trường trung học phổ thông dựa vào điều kiện của trường dự kiến 3-6 tổ hợp môn tự chọn và học sinh bắt buộc phải lựa chọn theo nhà trường mà không có lựa chọn khác.
Nhiều bất cập, rắc rối, phát sinh do việc lựa chọn tổ hợp chọn môn
Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm cho các trường trung học phổ thông trong việc chọn các tổ hợp môn tự chọn nên mỗi nơi một kiểu.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc trung học phổ thông với hy vọng học sinh sẽ được lựa chọn môn phù hợp với sở thích, sở trường, đam mê, được định hướng nghề nghiệp,…khó trở thành sự thật khi học sinh không được chọn môn học mà phải học với những tổ hợp do nhà trường lựa chọn, học sinh có thể không được học môn mình đam mê và phải học môn không phải sở trường của mình.
Hiện nay, sau gần 1 năm thực hiện, các trường trung học phổ thông xây dựng các tổ hợp khác nhau, xuất hiện nhiều bất cập như: học sinh muốn đổi môn học, học sinh chuyển trường, lớp, ở lại gặp khó khăn,…
Theo người viết, quá trình thực hiện, việc giao cho các trường tự xây dựng tổ hợp chọn môn sẽ phát sinh các rắc rối, phức tạp, khó lường như:
Thứ nhất, tuyển sinh đại học sẽ khó khăn hơn
Khi các trường tự xây dựng tổ hợp môn tự chọn thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới sẽ thay đổi, tuyển sinh đại học cũng sẽ thay đổi theo hướng rắc rối, phức tạp hơn.
Một trường đại học tuyển sinh khối A, B, C,… trong đó có môn các em học sinh không được lựa chọn học ở bậc trung học phổ thông thì xem như các em mất cơ hội học ngành mà các em yêu thích, điều này rất dễ xảy ra khi các trường đã chọn sẵn tổ hợp môn và học sinh phải học theo các tổ hợp đó.
Ví dụ trường X có giáo viên Mĩ thuật nên có dạy môn Mĩ thuật trong tổ hợp chọn môn, trường Y không có giáo viên Mĩ thuật nên bỏ môn đó ra, học sinh trường Y mất cơ hội được tuyển sinh vào các ngành đại học Mĩ thuật, Kiến trúc,…
Thứ hai, các trường sư phạm sẽ rất khó tuyển sinhMột trong những vấn đề đào tạo sinh viên sư phạm là các trường sư phạm dựa vào nhu cầu, dự báo nguồn nhân lực để thông báo chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu giáo viên của các địa phương.
Mỗi năm các trường tự xây dựng tổ hợp môn tự chọn khác nhau, mỗi trường mỗi khác, mỗi địa phương mỗi khác nên các trường sư phạm gần như rất khó trong việc đề ra chỉ tiêu tuyển sinh các môn thuộc tổ hợp môn tự chọn, việc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 vì thế cũng không đơn giản.
Nhiều em sinh viên sư phạm đăng ký ngành này nhưng khi ra trường địa phương không chọn dạy tổ hợp tự chọn có môn đó thì các em sẽ thế nào?
Thứ ba, học sinh chuyển trường, ở lại sẽ ra sao?
Mỗi trường được toàn quyền xây dựng tổ hợp môn tự chọn thì sẽ dẫn đến tổ hợp môn tự chọn giữa các trường, mỗi nơi một kiểu nên học sinh khi ở lại, chuyển trường sẽ vô cùng khó giải quyết.
Học sinh khi ở lại hoặc chuyển đi địa phương khác sinh sống nếu trường không có tổ hợp môn tự chọn có các môn trên, các em có thể phải bỏ học.
Thứ tư, khó khăn trong chọn sách, thiết kế đồ dùng dạy học
Chương trình mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, khi học sinh lớp 10 mới bắt đầu chọn tổ hợp chọn môn, nên khó khăn cho việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa khác nhau.
Các nhà xuất bản cũng khó biết trước nhu cầu thực tế của các địa phương, các trường học để sản xuất và in ấn sách giáo khoa.
Học sinh chuyển trường, ở lại cũng gặp khó khăn không chỉ ở tổ hợp chọn môn mà còn khó khăn vì các bộ sách khác nhau.
Bên cạnh đó, việc sản xuất thiết bị, đồ dùng dạy học cũng gặp khó vì thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi bộ sách có cách thiết kế khác nhau, đồ dùng dạy học cũng khác nhau, khó biết trước nhu cầu đặt hàng để sản xuất.
Thứ năm, học sinh chọn sai môn sẽ khó chọn lại
Trường xây dựng các tổ hợp chọn môn trong đó có 1 số môn các em không thích nhưng phải học, những môn học sinh thích nhưng lại không được học là một bất cấp rất lớn.
Trong quá trình học, học sinh đã chọn tổ hợp gồm 4/9 môn trong đó có các môn không thể tiếp thu, không thể học đường thì gần như vẫn phải chấp nhận, vì gần như không thể chọn lại môn khác vì môn khác đã bỏ hẳn.
Điều này rất thiệt thòi cho các em, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông. Theo đó, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học.
Nhưng việc đổi tổ hợp môn tự chọn là không hề đơn giản khi muốn đổi 1 môn học thì học sinh có thể phải đổi cả tổ hợp môn gồm 4 môn học, học sinh học kiến thức như thế nào với các môn không học ở lớp 10,…
Người viết cho rằng việc chọn môn học từ bậc trung học phổ thông là chủ trương đúng, định hướng nghề nghiệp cho các em nhưng việc thực hiện hiện nay lại phát sinh nhiều phức tạp, rắc rối trong việc chọn, đổi tổ hợp chọn môn, chuyển trường, lớp,.. rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vấn đề trên để năm học 2023-2024 việc chọn môn ở lớp 10, 11 không còn vướng mắc.
Nguồn: GDN