Nhiều lần chạnh lòng vì bị nói “già như trái cà mà còn đi học”
Trao đổi với Dân Việt, “nữ sinh” 64 tuổi kể, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bà không được đi học đến nơi đến chốn, mà phải nghỉ sớm để phụ giúp cha mẹ.
Sau khi lập gia đình, bà tiếp tục bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, ước mơ được đi học, được tới trường, được tham dự các kỳ thi… luôn đau đáu trong lòng.
Bà Kim Chi trong một buổi ôn thi tốt nghiệp THPT tại Trung tâm GDNN-GDTX quận 7. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Bà cũng tâm sự rằng, dù kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khá giả; các con học hành thành tài… nhưng bản thân luôn cảm thấy tự ti khi giao tiếp với người khác. Bà nói mình tự ti vì học ít, không có bằng cấp, không đủ trình độ để được người khác xem trọng…
Thậm chí, trong nhiều cuộc trò chuyện, có người nói mình học trường nọ trường kia; có bằng cấp thế nào… càng khiến bà Chi thêm “ngại”.
“Không lẽ nói mình chỉ mới học đến lớp 8. Những điều này đã khiến tôi lúc nào cũng thôi thúc, cố gắng để quay trở lại trường học một cách sớm nhất”, bà Chi chia sẻ.
“Vậy mà quay đi, quay lại cũng hơn 40 năm trôi qua, con cái đã thành đạt, lập gia đình. Chồng con tôi cũng đã về hưu. Lúc này, sức khỏe không còn để tiếp tục buôn bán, làm kinh tế nữa. Được sự động viên của chồng và con, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ tới trường của mình”, bà nói thêm.
Bài nào không hiểu, “nữ sinh” này chủ động nhờ giáo viên hỗ trợ ngay. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Dù quyết tâm thực hiện mơ ước dở dang của mình, nhưng bà Chi vẫn ngại, sợ mọi người vào nói ra, sợ hàng xóm cười cợt khi U60 còn cắp sách tới trường, bà đã mang hồ sơ sang trung tâm GDTX một quận khác để nộp. Vì lớn tuổi, trung tâm này từ chối. Không từ bỏ, bà đến trung tâm GDNN-GDTX quận 7 để nộp hồ sơ xin học. Vì không có học bạ, bà phải học lại từ lớp 6.
“Được nhận vào học, tôi mừng muốn khóc. Học từ lớp 6 hay lớp mấy tôi không quan tâm, tôi chỉ mong được đi học mà thôi”, bà Chi vui vẻ kể lại.
Với niềm vui phơi phới của một người trong hành trình tìm lại giấc mơ, bà Chi nhận được sự ủng hộ, quan tâm của giáo viên tại trung tâm. Tuy nhiên, những ngày đầu, ánh mắt và nhiều câu nói của các học viên xung quanh khiến bà không khỏi chạnh lòng.
“Nữ sinh” U60 tích cực ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC
Bà nói nhiều lúc đi qua nhóm học viên trẻ, mình rất chạnh lòng khi nghe các câu “dèm pha”, kiểu như “trời đất, già như trái cà rồi còn đi học?”; “già vậy rồi còn đi học làm gì không biết?”…
Rời trường về với cuộc sống hàng ngày, cũng có nhiều người bạn tỏ ra buồn cười, khi biết bà đi học. Có người nói rằng, “rảnh quá hay sao mà đi học”, “già vậy đi học không thấy xấu hổ à”…
Muốn vào sư phạm để về dạy trẻ em nghèo
Trải qua thời gian đầu với nhiều lo lắng, chạnh lòng, bà Kim Chi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của một “nữ sinh” 64 tuổi. Từ những ánh mắt dò xét, hoài nghi và những câu nói vô tình ban đầu, dần dần bà Chi lấy được tình cảm và sự ủng hộ của các học viên tại trung tâm, nhất là những “người bạn học” cùng lớp.
Một phần vì quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, nghiêm túc với việc học tập; một phần vì là người lớn tuổi nhất của trung tâm, bà Chi đã nỗ lực học tập để đạt thành tích cao nhất làm gương cho các bạn.
“Ở tuổi của tôi, việc tiếp thu kiến thức là điều không hề dễ. May mắn là tôi bắt đầu học trở lại từ lớp 6, nên không bị mất gốc quá nhiều. Thời gian học ở trường, chỗ nào không hiểu tôi đều chủ động hỏi giáo viên hoặc các bạn. Ở nhà, tôi dành toàn bộ thời gian để học tập”, bà Chi nói.
Bà Kim Chi và gia đình con trai tại lễ tri ân, trưởng thành của trung tâm. Ảnh: NVCC
Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực của mình, suốt 6 năm qua, “học sinh” Kim Chi luôn đạt danh hiệu học viên giỏi. Năm học lớp 9 và lớp 12, “nữ sinh” Kim Chi còn đạt giải Nhì và giải Ba môn Địa lí tại kỳ thi Học viên giỏi cấp thành phố, dành cho hệ giáo dục thường xuyên.
Không chỉ là tấm gương về học tập, trong lớp, bà Kim Chi cũng là người bạn lớn của các học viên, vì luôn đưa ra lời khuyên hữu ích, kịp thời ngăn chặn các vụ xích mích, và cũng là người hỗ trợ các bạn nếu gặp khó khăn.
Theo bà, ở lứa tuổi học trò, các bạn nhỏ của mình có những hành vi xấu như chửi thề, mâu thuẫn dẫn đến cự cãi… Những lúc này, giáo viên chủ nhiệm thường không có mặt kịp thời để ngăn chặn. Chính vì thế, bà luôn là người đứng ra để hòa giải, khuyên ngăn. Vì cũng “có tuổi”, tiếng nói của bà cũng có trọng lượng, nên đã hóa giải nhiều vụ việc.
Ngoài ra, ai gặp khó khăn, bà Kim Chi cũng giúp đỡ trong điều kiện của mình.
CBà Kim Chi tặng gạo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố trước giờ phong tỏa do dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về dự định sau tốt nghiệp THPT, bà Chi cho biết, muốn thi vào trường sư phạm, để trở thành giáo viên và quay về dạy giỗ, giúp đỡ những em học sinh có điều kiện khó khăn tại nơi sinh sống. Lo lắng duy nhất của cô là sức khỏe.
“Nếu sức khỏe cho phép, tôi muốn học sư phạm và mở một lớp học miễn phí dành cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố của mình, để chia sẻ những kiến thức mà mình biết được. Tôi muốn các em sẽ được học hành, không ai phải dang dở trong nuối tiếc như tôi trước đây”, bà Chi nói.
Ngọc Trâm, học cùng 7 năm với bà Kim Chi, cho biết cả lớp rất ngưỡng mộ tinh thần, nghị lực của người bạn lớn này. Ban đầu, mọi người hơi ngại, khi học chung với một người lớn, nhưng dần dần, thấy tinh thần của bà Chi, các học viên khác đều cảm thấy có động lực để cố gắng.
Chia sẻ về kỷ niệm với bà Kim Chi, Trâm cho biết xem cô như người bạn, người mẹ, luôn chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống; dạy cách nấu ăn, dọn nhà, vẽ tranh…
“Học viên chúng em rất vui khi có một người bạn ‘chất lượng’ như cô Kim Chi. Nhìn vào cô, chúng em tự nhủ phải nỗ lực hơn, cố gắng hơn trên con đường học tập. Cô cũng cho chúng em biết quý trọng việc học, cảm thấy thật may mắn khi được đi học đúng lứa tuổi của mình”, Trâm nói.
Nguồn: Dantri