Luật Thi đua khen thưởng 2022 yêu cầu cá nhân vẫn phải có sáng kiến đối với các danh hiệu thi đua hoặc được thay thế bởi đề tài, đề án, công trình khoa học.
Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi năm 2022 (Luật số 06/2022/QH15). Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Ngày 17/7, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Từ 01/01/2024, giáo viên không có sáng kiến vẫn có thể đạt chiến sĩ thi đua, bằng khen phân tích một số nội dung của Luật Thi đua khen thưởng.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin lược trích và so sánh những điểm mới của Luật Thi đua khen thưởng 2002 so với các luật cũ có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Về giải thích từ ngữ
Luật Thi đua khen thưởng 2022 (sau đây gọi tắt là Luật 2022) ngoài 3 khái niệm về “thi đua”, “danh hiệu thi đua”, “khen thưởng” đã bổ sung thêm giải thích từ ngữ các cụm từ:
“Sáng kiến” là giải pháp có tính mới về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực đã được áp dụng tại cơ sở, có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận; “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”.
Mục tiêu của thi đua, khen thưởng
Luật Thi đua khen thưởng 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009 và năm 2013 chỉ đề cập đến mục tiêu của thi đua, không nói đến khen thưởng.
Còn Luật 2022 bổ sung thêm mục tiêu của khen thưởng như sau: nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Ảnh minh họa: P.L)Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc
Luật Thi đua khen thưởng 2003 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” để tặng cho cá nhân đạt tiêu chuẩn sau đây: có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
Luật Thi đua khen thưởng 2022 bổ sung thêm điều kiện: có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
Hay nói cách khác, nếu cá nhân không có đề tài, đề án, công trình khoa học… thì bắt buộc phải có sáng kiến.
Danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh
Luật Thi đua khen thưởng 2003 quy định Danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây: có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Luật Thi đua khen thưởng 2022 bổ sung thêm điều kiện: có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh…
Tương tự, nếu cá nhân không có đề tài, đề án, công trình khoa học… thì bắt buộc phải có sáng kiến.
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” (dành cho lực lượng vũ trang);
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu.
Như thế, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ cần cá nhân thỏa một trong ba điều kiện – không nhất thiết phải có sáng kiến. Thế nhưng, để đánh giá cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì ngành giáo dục thường dựa vào sáng kiến để làm minh chứng.
Việc yêu cầu cá nhân phải có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu (thay cho “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hoặc “sáng kiến”) để làm tiêu chí xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở khó hơn rất nhiều so với sáng kiến, vậy nên thầy cô chớ vội mừng.
Danh hiệu “Lao động tiên tiến”
Luật năm 2022 quy định chỉ có 02 điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
Trong khi Luật Thi đua khen thưởng cũ quy định đến 04 điều kiện để đạt danh hiệu lao động tiên tiến.
Danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ
Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” để tặng hằng năm cho tập thể tiêu biểu xuất sắc trong số các tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
– Có thành tích xuất sắc, hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm;
– Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.
Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” để tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức.
Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động có thời gian thực hiện từ 05 năm trở lên khi sơ kết, tổng kết phong trào.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú
Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” để tặng cho cá nhân gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục.
Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” để tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đã được tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
– Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
– Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu học trò, có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, được học trò, đồng nghiệp và Nhân dân kính trọng;
– Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có từ 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” để tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau đây:
– Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
– Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu học trò, có tài năng sư phạm, có công trong sự nghiệp giáo dục, được học trò, đồng nghiệp và Nhân dân kính trọng;
– Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có từ 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 02 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được xét tặng và công bố 03 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
“Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
– Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua;
– Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
– Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc được giải thưởng ở khu vực;
– Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo.
Nguồn: GDN