Một số trường ĐH khu vực phía bắc đã công bố kết quả xét tuyển sớm, điểm chuẩn của các phương thức này đều ở mức rất cao.
Tuy nhiên, khó so sánh điểm chuẩn các trường với nhau vì thang đo khác nhau. Có những trường nhiều tổ hợp – ngành điểm chuẩn còn kịch trần 30 điểm.
Điểm chuẩn trên 30, có trường phải điều chỉnh
Trường ĐH Luật Hà Nội là một trong những trường thông báo kết quả phương thức xét tuyển sớm nhất so với các trường khu vực phía bắc. Theo quyết định ban đầu của Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội về điểm trúng tuyển diện xét theo phương thức dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ) và dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, mức điểm chuẩn cao nhất thuộc về tổ hợp A01 ngành luật kinh tế: 30,3 điểm.
Ngoài ra, còn có 5 tổ hợp – ngành khác (trên tổng số 12 tổ hợp – ngành học tại Hà Nội) điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên. Tổ hợp – ngành thấp nhất (không tính các ngành đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk) cũng phải trên 27 điểm.
Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương
VIỆT LÊ
Tuy nhiên, ngay sau đó Trường ĐH Luật Hà Nội đã ra thông báo về việc điều chỉnh điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.
Theo đó, điểm trúng tuyển tổ hợp A01 ngành luật kinh tế được hạ xuống còn 30. Còn điểm chuẩn các tổ hợp – ngành khác vẫn giữ như quyết định ban đầu.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết việc điều chỉnh này là theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, tránh tình trạng điểm chuẩn các tổ hợp – ngành học vượt quá 30 điểm. PGS Hòa giải thích, theo quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã ban hành từ năm ngoái, điểm xét tuyển, bao gồm điểm các môn thành phần, không được quá 30.
Nhưng trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Luật Hà Nội, điểm xét tuyển với phương thức xét tuyển sớm gồm 3 yếu tố: điểm thành phần, điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng), điểm khuyến khích. Trong số thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển sớm vào Trường ĐH Luật Hà Nội, có một số TS đạt điểm xét tuyển quá 30 nhờ được cộng điểm khuyến khích.
Nhà trường cũng không được nhận công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2023 (Công văn 1919/BGDĐT-GDĐT), trong đó yêu cầu các trường ĐH trước khi xét tuyển phải quy về thang điểm 30 (bao gồm tất cả các điểm xét) và xác định mức điểm ưu tiên để xét.
Vì thế, nhà trường đã xác định điểm chuẩn theo công thức mà đề án đã công bố. Khi Bộ GD-ĐT có yêu cầu thực hiện Công văn 1919 thì Trường ĐH Luật Hà Nội đã hạ điểm chuẩn tổ hợp A01 – ngành kinh tế xuống.
Cùng mức điểm chuẩn, giá trị khác nhau
Theo nhiều trường, công thức tính điểm chuẩn của các trường đều đã được công bố trong đề án tuyển sinh. Nội dung các đề án căn cứ vào quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT ban hành từ năm ngoái. Vì vậy, nội dung đề án của nhiều trường đã bị vênh với Công văn 1919/BGDĐT-GDĐT Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28.4.
Điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Ngoại thương thực chất là bao nhiêu ?
Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương, công thức tính điểm chuẩn của các đối tượng trong phương thức 1, phương thức 2 là giống nhau. Theo đó điểm xét tuyển = M1 + M2 + M3 + điểm ưu tiên giải (nếu có) + điểm ưu tiên theo đối tượng chính sách và khu vực (nếu có).
Với phương thức 5, công thức tính điểm xét tuyển là: điểm quy đổi (từ điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia) + điểm ưu tiên giải (nếu có) + điểm ưu tiên theo đối tượng chính sách và khu vực (nếu có).
Điểm ưu tiên giải được tính với các đối tượng HS giỏi quốc gia của phương thức 1, với tất cả các đối tượng của phương thức 2 là giải HS giỏi và cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, mức ưu tiên tối đa là 4 điểm.
Như vậy, thang điểm thực tế của đối tượng HS giỏi quốc gia trong phương thức 1, của tất cả đối tượng phương thức 2, phương thức 5 là 34 điểm. Tuy nhiên, với các đối tượng này, Trường ĐH Ngoại thương chỉ thông báo một cột điểm chuẩn, thay vì 2 cột.
Trong đó, mức điểm chuẩn cao nhất là 30. Như vậy, điểm chuẩn của chương trình này là 30/34; nếu quy đổi ra thang 30 là 26,5. Tương tự, một loạt chương trình xét tuyển theo phương thức 1 đối tượng HS giỏi quốc gia, phương thức 2, phương thức 5, nhà trường công bố điểm chuẩn trên dưới 28 nhưng nếu quy đổi ra thang 30 thì chỉ chưa đến 25 (28/34×30 = 24,7 điểm).
Theo đề án của nhiều trường, điểm xét tuyển không chỉ có điểm các môn thành phần và điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) mà còn có điểm thưởng, điểm cộng, điểm khuyến khích… với từng đối tượng TS khác nhau như học sinh (HS) giỏi, HS có các chứng chỉ quốc tế… Vì thế, điểm xét tuyển tối đa của từng trường sẽ khác nhau.
Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương là 32, Trường ĐH Giao thông vận tải là 34… Nhưng theo Công văn 1919, nếu trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30 thì trường ĐH phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30 (theo quy định tại điều 7 Quy chế tuyển sinh). Trường ĐH quy định các tiêu chí phụ đối với TS có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn 30 bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm thưởng (nếu có).
Để thực hiện yêu cầu của Công văn 1919, Trường ĐH Giao thông vận tải khi xác định điểm chuẩn đã phải làm thêm một bước quy đổi thang điểm 34 về 30. Điểm xét tuyển của TS sẽ là điểm toán + lý/hóa/văn + điểm tiếng Anh quy đổi nhân với 30/34.
Với Trường ĐH Thủy lợi, ngoài điểm các môn thành phần và điểm ưu tiên, trường còn có điểm cộng xét tuyển dành cho TS đạt các điều kiện mà trường đặt ra với mức tối đa 3 điểm, do đó thang điểm xét tuyển của trường này là 33. Vì thế có những ngành của trường tưởng như gần chạm trần (như ngành CNTT là 29,5; luật kinh tế 29,5; thương mại điện tử 29,25…), nhưng khi quy về thang điểm 30 thì mức điểm chuẩn sẽ bớt cao đi.
2 cột điểm chuẩn
Để hài hòa giữa thông tin được công bố trong đề án với Công văn 1919 của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Ngoại thương đã chọn theo cách “cồng kềnh” hơn, đó là công bố đồng thời 2 cột điểm chuẩn với phương thức 1. Một cột là mức điểm chuẩn tính theo công thức mà trường công bố trong đề án tuyển sinh, cột còn lại là điểm chuẩn quy về thang 30. Thành thử một cột rất nhiều ngành trên 30 điểm, một cột con số tương ứng chỉ khoảng 28,2 – 28,3 điểm.
PGS Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, giải thích: “Cách tính điểm của phương thức 1 trường đã thực hiện ổn định từ 3 năm nay.
Vì thế, ngay sau khi trường công bố đề án tuyển sinh, mỗi phụ huynh và HS đều có thể tự tính điểm xét tuyển của mình, từ đó có thể phỏng đoán được khả năng mình có thể đỗ vào ngành nào. Nếu giờ trường chỉ công bố điểm đã quy đổi theo thang 30 thì sẽ gây hiểu nhầm cho phụ huynh, HS”.
Bà Hiền khẳng định việc xác định điểm chuẩn theo thang 30 không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của TS.
Nguồn: Thanhnien